0
ARCH+ news

Vietnam-Band in der Landesprache erschienen

In Zusammenarbeit mit dem Goethe-Institut Vietnam hat ARCH+ ausgewählte Beiträge aus den beiden Heften Vietnam – Die Rückkehr des Klimas und Vietnam – Die stille Avantgarde beim Verlag Tạp chí Kiến trúc in einem Band auf Vietnamesisch herausgegeben.

Giới thiệu sách ARCH+: “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng”
Tin tức 05/04/20180

Hướng tới kỉ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Tạp chí ARCH+ thực hiện và phát hành cuốn sách “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng”. Cuốn sách tập hợp các bài viết được lựa chọn trong 2 ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí ARCH+: “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng” và “Kiến trúc khí hậu Việt Nam”. 

“Ấn phẩm này có một vị trí đặc biệt đối với ARCH+, Viện Goethe và TCKT – Nó được sinh ra từ tình yêu đối với Việt Nam và sự ngưỡng mộ đối với với trách nhiệm xã hội mới và những ý tưởng tân tiến của các KTS Việt” – Ông Wilfriend Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe chia sẻ. “Kiến trúc Việt Nam: Những người tiên phong thầm lặng” chính là sự ghi nhận thế hệ KTS trẻ Việt Nam đã và đang tiên phong trong sáng tạo kiến trúc mới trên cơ sở khai thác tinh hoa của văn hóa kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Hơn hết, đây là sự khích lệ, cổ vũ đối với thế hệ KTS trẻ Việt Nam – những người đã và đang ghi dấu Việt Nam trở thành một nước có nền kiến trúc đạt trình độ quốc tế.

Các công trình của các KTS và công ty kiến trúc quen thuộc (như: KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Nguyễn Hòa Hiệp…) đã mang lại những cảm nhận mới mẻ khi các công trình được nhìn nhận, phân tích trong bối cảnh quốc tế, cùng các nghiên cứu về xu hướng kiến trúc mới, trong đó, có các quan điểm về bản sắc đô thị trong sự giao thoa văn hóa và toàn cầu hóa. Điều này thực sự đã đem lại những cảm nhận mới mẻ, đặc biệt thú vị và sáng tạo đối với Kiến trúc Việt Nam.

Anh Linh Ngô – chủ biên cuốn ARCH+ chia sẻ: “Thông qua các công trình được giới thiệu ở Việt Nam, tôi muốn chỉ ra hai khuynh hướng mang tính toàn cầu.Thứ nhất, một trách nhiệm xã hội mới cho các ngành kiến trúc, đây là điểm xuất phát cho việc tái lập lại nền tảng của ngành kiến trúc.Thứ hai, bước ngoặt trong việc giải quyết những thách thức của khí hậu có thể mở ra con đường dẫn đến vai trò mới của ngành kiến trúc trong xã hội”.

Mở đầu phần 1 – “Kiến trúc Việt Nam – những người tiên phong thầm lặng” là bài viết “Lịch sử Kiến trúc Việt Nam hiện đại” của KTS Trương Ngọc Lân giới thiệu bối cảnh hành nghề của giới KTS Việt Nam, những thách thức và cơ hội, mà giới KTS Việt Nam luôn phải đối mặt cùng nhiều câu hỏi, âu lo và hy vọng. Đó là sự mở cửa của hội nhập khiến cho kiến trúc Việt Nam khởi phát nhanh chóng với bộn bề các loại hình kiến trúc, chủ yếu theo xu hướng kiến trúc nhập khẩu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị tường và thị hiếu của một bộ phần những người mới giàu lên… Bối cảnh đó càng trở nên khó khăn hơn khi Viện trưởng Viện Goethe đặt ra câu hỏi nhức nhối cho nền kiến trúc Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung: Trách nhiệm sinh thái có đảm bảo không khi chúng ta xây dựng như hiện nay? Chúng ta có tìm được về bản sắc của mình không trước xu thế kiến trúc “sính ngoại”? Những câu hỏi đã dần được trả lời thông qua các công trình của KTS trẻ Việt Nam: 1+1>2 Architects có Nhà cộng đồng Tả phìn, Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Nhà Vỏ chai, Trường tiểu học Lũng Luông… H& P dành sức sáng tạo cho các công trình chạm tới ngưỡng của sự tối giản như: Vườn vệ sinh, Tổ ấm nở hoa… Võ Trọng Nghĩa Architect với các công trình đã đạt giải thưởng quốc tế như: Nhà Bình Thạnh, Nhà vườn xếp, Nhà cộng đồng đảo Kim cương, trường học Bình Dương… Các công trình phong phú ở nhiều thể loại, quy mô đã truyền tải thông điệp rằng sức sáng tạo và trí tuệ của KTS đã được hình thành trong khi các KTS tìm cách xử lý các vấn đề xã hội hiện tại và nghiên cứu, áp dụng các yếu tố văn hóa tại địa phương. Theo Anh – Linh Ngô, bằng cách tiếp cận như trên, KTS Việt Nam đã định vị được thiết kế của họ mà không cần đưa ra luận cứ về cơ sở văn hóa. Nhưng các ảnh hưởng từ quốc tế như từ Anna Heringer, Die’be’do Francis Ke’re’ hay kiến trúc Nhật Bản vẫn hiện diện trong sáng tác của họ. Thông qua đó, KTS Việt Nam đã đặt mình vào mối liên quan tư duy toàn cầu mà không đánh mất phương thức thể hiện đặc thù. Điều thú vị là tác giả đã đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta học được gì từ kiến trúc Việt Nam? Câu trả lời: Đó là sự đơn giản trong chi tiết, để đặt kiến trúc vào tâm điểm. Bên cạnh đó, sự dấn thân vào các công trình phục vụ cộng đồng đã hướng tới sự phát triển của một xu thế mới – sự cam kết xã hội đối với kiến trúc, và chính điều đó đã tạo nên danh hiệu Những người tiên phong thầm lặng.

Công trình được giới thiệu tại ARCH+
Phần 2 với chủ đề Kiến trúc thích ứng khí hậu giới thiệu các công trình Nhà A21, Chùa Đá… của A21 Studio; Quán Cà phê ở Đồng Hới của LVQH, Nhà tổ mối của Tropical Space, hay Nhà chị Anh của S+Na …“Thay vì giải quyết các vấn đề khí hậu truyền thống bằng các giải pháp kĩ thuật thì các KTS Việt Nam đã xử lý chúng một cách sáng tạo bằng các phương tiện kiến trúc” Anh – Linh Ngô nhận xét. Chúng ta có thể thấy các giải pháp thiết kế thích ứng với khí hậu bằng cách tiếp cận từ điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa… của KTS Việt Nam đã tạo nên ấn tượng với các nhà phê bình quốc tế. Có thể nói, văn hóa vẫn là cái đích đi đến, bởi từ đó, họ tìm được câu trả lời cho vấn đề Bản sắc kiến trúc. Chỉ có thể từ góc nhìn văn hóa, kiến trúc không thể mất đi cội rễ của mình, mà ngược lại, khi mở cửa đón các nền văn hóa khác, văn hóa như cội rễ sẽ lan tỏa, sum xuê. Triển lãm “Tại chỗ” của Archie Pizzini Trần Hoành, các bài viết về “Phát triển kinh tế xã hội khu phố cổ Hà Nội” của tác giả Nguyễn Quang Minh, “Địa – văn hóa quá đa dạng – đô thị mới quá đơn điệu” của tác giả Nguyễn Quân… đã bổ sung thêm những ví dụ sinh động thực tiễn về sự dịch chuyển không ngừng của kiến trúc trong dòng chảy của cuộc sống, từ đó, các KTS đã đề xuất được chuyển đổi mô hình ở mới, trong đó, chúng ta không còn cư trú trong các ngôi nhà nữa, mà cần được nhìn rộng hơn là trong không gian đô thị.

Có thể nói, vượt qua hàng rào của ngôn ngữ, ARCH+: “Kiến trúc Việt Nam – những người tiên phong thầm lặng” là một cơ hội đặc biệt để bạn đọc nói chung, giới KTS Việt Nam nói riêng cảm nhận những quan điểm phê bình kiến trúc từ bên ngoài đối với Kiến trúc đương đại Việt Nam. Thông qua đó, tri thức của chúng ta được mở rộng hơn.Từ đó, trách nhiệm của chúng ta – phải hành động phù hợp với những kiến thức mới – vì thế cũng lớn hơn.Điều này đã được GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc khẳng định: “Bằng sự nhạy cảm của tri thức toàn cầu và tính yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, các cơ quan văn hóa và truyền thông Đức đã nhận ra, đánh giá đúng và tập hợp thành sách về những sáng tạo kiến trúc mới của các KTS trẻ Việt Nam. Cuốn sách không chỉ cổ vũ, khích lệ các KTS Việt Nam không ngừng sáng tạo vì một nền kiến trúc Việt Nam mới, hiện đại có bản sắc mà quan trọng hơn để thế giới hiểu về nỗ lực không ngừng của giới KTS, nhất là KTS Việt Nam vì một nền kiến trúc Việt Nam mới, hiện đại trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay”.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách có ý nghĩa này!

www.tapchikientruc.com.vn